
Metaplanet vượt mặt Coinbase Global với 10.000 BTC
Công ty đầu tư Nhật Bản Metaplanet vừa mua thêm 1.112 Bitcoin với giá 117,2 triệu USD, nâng tổng dự trữ lên 10.000 BTC.
Cổ phiếu Metaplanet tăng vọt hơn 17% sau khi công ty công bố động thái mua thêm Bitcoin lớn nhất từ trước đến nay. Theo thông báo của CEO Simon Gerovich trên mạng xã hội X vào ngày 16/06, Metaplanet đã chi 117,2 triệu USD để mua 1.112 BTC với giá trung bình 105.435 USD mỗi BTC.
Giao dịch này đã đưa tổng lượng Bitcoin mà Metaplanet nắm giữ lên con số 10.000 BTC, chính thức vượt qua Coinbase Global, một trong sàn giao dịch crypto hàng đầu thế giới hiện đang sở hữu 9.267 BTC, theo dữ liệu từ Bitcointreasuries.net.
Để tài trợ cho chiến lược mua Bitcoin, hội đồng quản trị Metaplanet đã phê duyệt việc phát hành trái phiếu thường series thứ 18 trị giá 210 triệu USD cho EVO Fund với ngày đáo hạn vào ngày 12/12/2025. Công ty khẳng định số tiền huy động sẽ được sử dụng hoàn toàn để mua Bitcoin.
Metaplanet bắt đầu chiến lược tích lũy Bitcoin từ tháng 04/2024 và đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng. Đầu tháng này, công ty công bố kế hoạch sửa đổi nhằm nắm giữ hơn 210.000 BTC trước cuối năm 2027, tương đương 1% tổng nguồn cung Bitcoin trên thế giới.
Để thực hiện mục tiêu này, Metaplanet đã công bố kế hoạch chào bán cổ phiếu trị giá 5,4 tỉ USD vào ngày 06/06, dự kiến phát hành 555 triệu cổ phiếu trong hai năm tới. Trước đó, vào ngày 02/06/2025, công ty cũng mua thêm 1.088 BTC, nâng tổng dự trữ lên 8.888 BTC.
Mặc dù đã vượt qua Coinbase Global, Metaplanet vẫn còn kém xa nếu so với Strategy, công ty dẫn đầu danh sách các tổ chức nắm giữ Bitcoin nhiều nhất thế giới. Strategy, dưới sự lãnh đạo của Michael Saylor, hiện sở hữu 582.000 BTC sau khi mua thêm 1.045 BTC tuần trước.
Động thái của Metaplanet phản ánh xu hướng ngày càng mạnh mẽ của các công ty công nghệ và đầu tư châu Á trong việc đưa Bitcoin vào danh mục tài sản dự trữ. Chiến lược này không chỉ giúp đa dạng hóa tài sản mà còn thể hiện niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đồng crypto có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.