Microsoft công bố chip lượng tử Majorana 1
Chip Majorana 1 có khả năng tích hợp tới 1 triệu qubit trên một chip có kích thước tương đương CPU máy tính thông thường.
Sau 17 năm nghiên cứu, Microsoft đã giới thiệu chip Majorana 1, bộ xử lý lượng tử đầu tiên dựa trên kiến trúc mới sử dụng hạt Majorana. Đây là kết quả từ việc phát triển một loại vật liệu mới gọi là “topoconductor”, cho phép quan sát và kiểm soát hạt Majorana để tạo ra các qubit (bit lượng tử) ổn định hơn.
Chip Majorana 1 có khả năng tích hợp tới 1 triệu qubit trên một chip có kích thước tương đương CPU máy tính thông thường. Khác với các chip lượng tử truyền thống sử dụng electron, Microsoft tận dụng hạt Majorana – một hạt lý thuyết được nhà vật lý Ettore Majorana mô tả từ năm 1937.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature, trong đó Microsoft giải thích cách họ tạo ra qubit topo từ vật liệu kết hợp indium arsenide và nhôm. Hiện tại, chip Majorana 1 đã tích hợp 8 qubit topo, với mục tiêu mở rộng lên 1 triệu qubit trong tương lai.
Zulfi Alam, Phó chủ tịch phụ trách lượng tử tại Microsoft, chia sẻ: “Đây là chương trình nghiên cứu dài nhất trong lịch sử công ty. Sau 17 năm, chúng tôi đã chứng minh được kết quả thực tế, không chỉ ấn tượng mà còn định hình lại hành trình lượng tử tiếp theo.”
Microsoft cũng vừa được Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) chọn là một trong hai công ty tiến vào giai đoạn cuối của dự án US2QC. Theo đó, Microsoft sẽ xây dựng một máy tính lượng tử chịu lỗi dựa trên qubit topo trong “vài năm, chứ không phải vài thập kỷ”.
Chetan Nayak, chuyên gia kỹ thuật của Microsoft, nhấn mạnh: “Máy tính lượng tử 1 triệu qubit không chỉ là cột mốc, mà còn là cánh cửa giải quyết những vấn đề khó nhất thế giới. Công nghệ nền tảng đã được chứng minh, và chúng tôi tin rằng kiến trúc này có thể mở rộng.”
Với đột phá này, Microsoft kỳ vọng điện toán lượng tử sẽ thúc đẩy các phát minh khoa học, từ y học đến khoa học vật liệu, mang lại giải pháp cho những thách thức toàn cầu.